Như một nhánh hoa thực thụ với chiều cao 30 cm, robot hoa có thân, lá và hoa, được đặt trong chậu không khác gì nhánh hoa thật.
Sản phẩm của nhóm sinh viên (SV) năm 4, ngành Cơ điện tử, khoa Cơ khí chế tạo máy, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM gồm: Nguyễn Sỹ Hưng, Phan Đoàn Anh Tuấn, Võ Phước Lộc, Trương Đặng Trung vừa “trình làng” thật ấn tượng tại Liên hoan Sáng tạo khoa học công nghệ trẻ lần thứ 2 do Thành Đoàn TP.HCM tổ chức gần đây.
Phan Đoàn Anh Tuấn tâm sự: “Tụi em cũng muốn tạo một cái nhìn mới về robot, vì thông thường mọi người nghĩ robot là một cái gì đó thật to lớn, mạnh mẽ và chỉ xuất hiện trong các nhà máy để phục vụ cho việc sản xuất. Sự ra đời của robot hoa sẽ làm thay đổi cách nhìn đó. Một “cô” robot nhỏ nhắn, mềm mại, uyển chuyển như một bông hoa đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức của mọi người trong cuộc sống. Xuất phát từ những sự vật đơn giản trong cuộc sống hằng ngày, nhóm đã phát triển đề tài thành robot mô phỏng hoạt động của cây hoa, có khả năng di chuyển mềm mại, nhịp nhàng, thân thiện với con người và môi trường sống xung quanh”.
Robot hoa được chia làm 2 phần gồm: phần cơ và phần điện tử điều khiển. Phần cơ có ba phần chính gồm thân, lá, hoa được đặt trong chậu. Cả 3 bộ phận này có thể chuyển động độc lập, khi được gắn kết lại với nhau thì toàn bộ bông hoa có thể làm được những gì mà một bông hoa thật làm được như: đóng mở hoa, đu đưa lá, uốn cong thân…
Phần điện tử điều khiển bao gồm các động cơ, cảm biến quang, cảm biến nhiệt độ, cảm biến phát hiện chuyển động.
Xung quanh chậu hoa được gắn những cảm biến chuyển động, vì vậy khi có người tiến lại gần chậu hoa, nhánh hoa sẽ tự động hướng về phía người đó, cánh hoa xòe ra. Trên thân robot hoa được tích hợp cảm biến ánh sáng, để khi có ánh sáng chiếu vào, lá sẽ rung động và cánh hoa mở ra mô phỏng trạng thái nở của một bông hoa thực thụ. Trương Đặng Trung hồ hởi giới thiệu về các chức năng của sản phẩm: “Điểm nhấn gây hứng thú nhất cho người sử dụng là khả năng nhảy theo nhạc. Bộ cảm biến âm thanh có khả năng xử lý những âm sắc khác nhau của bản nhạc, tạo ra những điệu nhảy riêng biệt cho từng bản nhạc. Vì vậy, ta có thể đặt chậu hoa trên bàn làm việc, vừa nghe nhạc vừa nhìn ngắm những điệu nhảy ngộ nghĩnh của robot, một phương pháp giảm stress hữu hiệu sau những giờ làm việc căng thẳng”.
Nói về hướng phát triển trong tương lai, Võ Phước Lộc cho biết: “Trước tiên chế tạo robot hoa là để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của mọi người. Một chậu hoa có khả năng nhảy múa theo nhạc sẽ là một điểm nhấn thú vị trên bàn làm việc. Sắp tới nhóm em sẽ nghiên cứu để phát triển và hoàn thiện thêm hệ thống camera quan sát, giúp robot có khả năng truyền thông tin qua mạng 3G đến thiết bị cầm tay, đồng thời cũng hướng đến việc thương mại hóa sản phẩm để sớm đến tay người tiêu dùng với giá thành thấp nhất”. Hiện “cô” robot hoa có giá 1 triệu đồng.
Bình luận